cart.general.title

SAU 40 NĂM TÁI CHẾ PHẾ LIỆU TRUNG QUỐC ĐÃ XUẤT KHẨU 40% NHỰA THẾ GIỚI, VIỆT NAM ĐANG NỐI GÓT?

Ngành nhựa thời gian gần đây đang là điểm chú ý của dư luận trong nước, một mặt là giải quyết khó khăn, mặt còn lại đại diện Hiệp hội khẳng định ngành nhựa Việt Nam đang đứng trước cơ hội trăm năm để đột phá nhìn từ câu chuyện đi trước của Trung Quốc.

Sau 40 năm tái chế phế liệu, Trung Quốc chiếm 50% xuất khẩu nhựa thế giới, Việt Nam đang nối gót!

Nhìn từ Trung Quốc, ngành nhựa Việt đang có cơ hội trăm năm để đột phát

Đi sâu vấn đề, ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết Trung Quốc đã có gần 40 năm nhập khẩu và tái chế phế liệu, đi trước Việt Nam 30 năm, đã cho ra đời hàng loạt doanh nghiệp tỷ đô với tổng sản lượng xuất khẩu chiếm 50% thị phần thế giới. Được biết, ngành này đã hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc liên tục tăng trưởng cao trong hơn 3 thập kỷ qua, công nghệ và quy mô ngành tái chế đứng đầu thế giới, tự sản xuất được máy móc thiết bị cho ngành cũng như xuất khẩu đi khắp thế giới.

Đến thời điểm này, Trung Quốc đạt mức thu nhập 8.000 USD/người, quốc gia này không còn nhất thiết phải nhập khẩu NPL mà chỉ cần nhập khẩu hạt nhựa tái sinh để sản xuất và cải tính thành hạt nhựa kỹ thuật cao.

Sau 40 năm tái chế phế liệu, Trung Quốc chiếm 50% xuất khẩu nhựa thế giới, Việt Nam đang nối gót!
Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam đang phát biểu.

Và tại Việt Nam, ông Lam khẳng định ngành nhựa là một trong những ngành năng động và tăng trưởng cao nhất Việt Nam. Trong 10 năm qua, với mức tăng trưởng 15-20% năm nhưng phải nhập khẩu đến 80% lượng nguyên liệu. Riêng năm 2017 ngành nhựa nhập khẩu 4,9 triệu tấn hạt nhựa, tổng kim ngạch nhập khẩu hạt nhựa và sản phẩm nhựa là 12,68 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu 2,5 tỷ USD.

"Cũng nên biết năm 2017 ngành dầu khí rất cố gắng mới có thể xuất khẩu được 2,9 tỷ USD. Chúng ta tiết kiệm từng đồng ngoại tệ nhưng lại dễ dàng chấp nhận con số nhập khẩu lên đến 12,68 tỷ USD của ngành nhựa, đó là một câu hỏi lớn", ông Hồ Đức Lam nói. Nguyên nhân theo vị này là ngành nhựa không chủ động được nguồn nguyên liệu, đặc biệt nếu không có nguồn nguyên liệu từ NPL pha trộn với nhựa nguyên sinh để giảm giá thành sản phẩm thì không thể cạnh tranh với các nước trong khu vực. Trong khi, nước ta không có thế mạnh sản xuất hạt nhựa tái sinh từ dầu mỏ, việc nhập khẩu NPL để sản xuất hạt nhựa tái sinh là giải pháp hiện hữu cho bài toán nguyên liệu ngành nhựa.

Như vậy, Hiệp hội Nhựa cho rằng, việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu NPL sẽ buộc các doanh nghiệp của họ phải nhập hạt nhựa tái sinh để phục vụ sản xuất, đây là cơ hội chưa từng có cho ngành nhựa Việt Nam. Ông Lam theo đó khẳng định, thời điểm này là cơ hội trăm năm mới có một lần của ngành nhựa và có thể trở thành một trong những ngành đứng đầu nền kinh tế, với trị giá hàng trăm tỷ USD trong 10 năm tới.

Vấn đề là, Chính Phủ cần hỗ trợ ổn định cho việc nhập khẩu NPL, đồng nghĩa với việc Việt Nam có nguồn nguyên liệu giá thành thấp. Đồng thời, Việt Nam cũng đã đến lúc nuôi dưỡng, phát triển các công ty tái chế NPL non trẻ để họ tích lũy năng lực kinh nghiệm, tiếp thu công nghệ từ đó có nhà máy hiện đại, sau này sẽ tái chế nguồn nhựa thải ra ngày càng lớn.

Chưa kể, các đối tác có công nghệ tái chế NPL tiên tiến như EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc đang chờ đợi để hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam. Kết quả, hàng nghìn nhà đầu tư trong nước và nước ngoài sẽ đầu tư nhà máy sản xuất các sản phẩm nhựa thành phẩm và nhựa kỹ thuật cao tại Việt Nam, tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước lớn mạnh.

Trung Quốc cấm nhập khẩu NPL, Việt Nam mình lại muốn làm ngược?

Mặc dù những lý lẽ trên được chấp nhận, nhưng vấn đề dư luận lo ngại chính là việc nhựa phế liệu gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng chính là lý do Chính phủ thời gian qua đã có nhiều biện pháp hạn chế nhập khẩu mặt hàng này, doanh nghiệp theo đó có nhiều kiến nghị vì tình hình kinh doanh gặp khó.

Trung Quốc giảm thiểu ô nhiễm và cắt nhập phế liệu, Việt Nam mình lại muốn nhập nhiều phế liệu có đúng đắn?

Trả lời điều này, đại diện Hiệp hội Nhựa cho biết thực tế việc cấm nhập phế liệu của Trung Quốc là một "đòn chém" phế liệu. Nghĩa là, Trung Quốc cần một lý do cho việc ô nhiễm đáng báo động nhiều năm gần đây, cần một giải pháp để trấn an dư luận sở tại rất bức xúc.

Song, thực tế cho thấy sau khi cấm nhập khẩu phế liệu, tình hình ô nhiễm tại Trung Quốc không hề thiên giảm, điều đáng nói hơn hết là Quảng Đông – thủ phủ của ngành tái chế NPL – lại không ô nhiễm bằng khu Bắc Kinh. Tức, liệu việc ô nhiễm có phải chủ yếu do việc tái chế NPL gây ra?

Mặt khác, theo nhiều chuyên gia môi trường của Hoa Kỳ, việc cấm nhập khẩu phế liệu của Trung Quốc có thể làm ô nhiễm môi trường nặng nề hơn vì thiếu nguyên liệu các mỏ quặng kim loại sẽ tăng công suất đào bới tài nguyên làm ô nhiễm thêm cho nguồn nước, không khí. Việc phá rừng lấy nguyên liệu cho ngành giấy sẽ tăng cao. Thậm chí, thiếu nguyên liệu các loại nhựa bẩn trước đây phải tiêu hủy thì bây giờ nhiều khả năng tận dụng để tái chế, dẫn đến ô nhiễm hơn.

Như vậy, phế liệu thực tế không phải là tác nhân gây ô nhiễm như nhiều người nghĩ, Hiệp hội nói, vấn đề là do cách chúng ta sử dụng và thói quen tùy tiện khiến môi trường ô nhiễm. NPL và công nghiệp tái chế mặt khác vẫn là đòn bẩy duy nhất nâng cao ngành nhựa, đóng góp lớn cho kinh tế nói chung.

Đồng tình với quan điểm này, đại diện đến từ công ty nhựa thành viên Hiệp hội nhấn mạnh giọng: "NPL không gây ô nhiễm môi trường. Chúng tôi thậm chí có thể nằm ngủ trên mặt hàng này, chúng tôi không hề làm sai. Ô nhiễm ở đây là do cách sử dụng của chúng ta không đúng".

Cơn bĩ cực của ngành nhựa

Thời gian qua, ngành nhựa liên tục gặp khó. Từ việc hàng không xuất được, trong nước không có gì để làm; đến cháy xưởng nhựa mấy trăm tỷ gây nhiều thất thoát. Từ việc Trung Quốc chính thức ban hành lệnh cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu từ ngày 1/1/2018; đến việc doanh nghiệp nhựa bị cấm tái chế, nhập khẩu nhựa phế liệu. Tất cả đưa doanh nghiêọ nhựa trong nước cũng như công nhân điêu đứng, khiến nhiều đơn vị thời gian qua liên tục có kiến nghị lên cơ quan chức năng, báo giới cũng ngập tràn những câu chuyện "tồn nhựa phế liệu gây ô nhiễm", "cấm nhập khẩu nhựa phế liệu, doanh nghiệp gặp khó"…

Trước dư luận ồn ào, Hiệp hội Nhựa đã có những giải pháp nhằm trấn an "bức xúc" của doanh nghiệp trong ngành, trong đó trọng tâm tập trung đẩy nhanh việc cấp phép nhập khẩu nhựa phế liệu (NPL) mới cho các doanh nghiệp đã đầu tư đúng chuẩn, hỗ trợ doanh nghiệp thành lập các khu công nghiệp chuyên ngành tái chế NPL nhằm đồng tình với Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như Tổng cục Hải quan khi xử lý nghiêm các container hàng phế liệu nhập sai quy định và làm rõ trách nhiệm những sai phạm.

Nhìn chung, tổng quan vấn đề vẫn là việc kiến nghị Nhà nước cần có chính sách quản lý phù hợp và rõ ràng hơn hơn để ngành nhựa có thể phát triển trong tương lai.

(Theo VnEconomy)

HÌNH ẢNH NHÀ MÁY

HÌNH ẢNH SẢN XUẤT