TÁI CHẾ PHẾ LIỆU, NGUỒN TÀI NGUYÊN CẦN ĐƯỢC ĐÁNH THỨC
08/03/19
Lãng phí
Nguồn phế liệu nhựa tại Việt Nam thải ra tới gần 18.000 tấn/ngày, giá phế liệu rất thấp. Do đó, hạt nhựa tái chế từ chất thải nhựa sinh hoạt có giá thấp hơn nhiều so với hạt nhựa nguyên sinh.
Ông Nguyễn Như Khuê, Giám đốc điều hành Công ty RKW Lotus khẳng định, nhựa có mặt hầu hết trong tất cả mặt hàng, sản phẩm. Riêng tại Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa tăng trung bình 20%/năm. Điều này cho thấy, tiềm năng phát triển ngành nhựa tái chế.
Chỉ tính riêng chất thải nhựa, trung bình mỗi năm có khoảng 50.000 tấn chất thải từ nhựa bị chôn lấp cùng các loại chất thải khác.
Hoạt động kinh doanh tái chế chất thải nhựa cũng mang lại nhiều lợi ích. Tác động đầu tiên là tiết kiệm năng lượng cho sản xuất nhựa nguyên sinh, giúp tiết kiệm tài nguyên không thể tái tạo là dầu mỏ; giải quyết hàng loạt các vấn đề môi trường như mất mỹ quan đô thị, tắc nghẽn cống rãnh, suy thoái đất… Chi phí chôn lấp một tấn rác hiện nay là khoảng 300.000 đồng. Hiện, ở TP. HCM có tới 50.000 tấn chất thải nhựa đang chôn lấp nếu số chất thải này được mang đi tái chế, TP. HCM có thể tiết kiệm được khoảng 15 tỷ đồng mỗi năm. Dựa trên tốc độ tiêu thụ nhựa bình quân hiện tại, sự phát triển kinh tế, dân số tăng nhanh, ước tính đến năm 2020, lượng tiêu thụ, chất thải nhựa phát sinh tại TP. HCM vào khoảng 400.000 tấn/năm. Điều này cho thấy, cơ hội phát triển cho ngành tái chế nhựa là rất lớn.
Lượng nhựa tái sinh sẽ góp phần làm giảm giá nguyên liệu đầu vào 30%, qua đó làm giảm 15% giá thành sản phẩm. Ngược lại, nếu không tái chế nhựa thải, với mức tăng dân số bình quân 3,5% và tốc độ tiêu thụ sản phẩm nhựa tại TP.HCM đạt bằng mức bình quân thế giới hiện nay (40kg/người) thì đến năm 2020, lượng nhựa tiêu thụ cũng như lượng chất thải nhựa phát sinh sẽ vào khoảng 400.000 tấn/năm
Số lượng rác được sử dụng tái chế tại Việt Nam ít về số lượng, lạc hậu về công nghệ và chủ yếu sản xuất với quy mô nhỏ. Với hơn 90 triệu dân cả nước, nếu mỗi năm lượng rác thải gia tăng thêm 10% như dự tính thì điều này đồng nghĩa với hàng trăm ngàn tấn rác có thể tái chế, trị giá nhiều tỷ đồng bị lãng phí.
Nhận thấy những tiềm năng này, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã tới Việt Nam để mở xưởng sản xuất tái chế phế liệu nhựa. Sau khi thu được hạt nhựa, sẽ chuyển hạt nhựa thành phẩm về Trung Quốc. Tuy vậy, theo các chuyên gia, đây sẽ là thách thức về môi trường của Việt Nam. Hiện trên địa bàn TP. HCM và các tỉnh lân cận còn nhiều xưởng tái chế phế liệu tự phát, không nằm trong các khu công nghiệp nên khó kiểm soát, đảm bảo về môi trường.
Tận dụng thế nào?
Với các nước tiên tiến trên thế giới, tái chế phế thải đang được biến thành nguồn tài nguyên quý giá. Theo Viện Công nghệ tái chế phế liệu (ISRI) Mỹ, ngành công nghiệp tái chế phế liệu Mỹ tạo ra gần 460.000 việc làm và trung bình mỗi năm tạo ra một khoản doanh thu trị giá khoảng 90,6 tỷ USD cho nền kinh tế đất nước này. Trong tổng doanh thu 90,6 tỷ USD, các doanh nghiệp tái chế nộp thuế 10,3 tỷ USD cho Chính phủ. Yêu cầu tái chế được cụ thể hóa đến từng nhà máy của từng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải ở Mỹ. Tại 3 nhà máy xử lý rác đang được xây dựng tại 2 TP Oakland và Stockton bang California (Mỹ) đều có thiết bị phân loại phế liệu tái chế.
Tại Nhật Bản, việc tái chế và tái sử dụng phế liệu luôn được khuyến khích bằng các chính sách thuế và ưu đãi về tài chính. Năm 1992, Nhật Bản ban hành quy định “Xúc tiến sử dụng những tài nguyên tái chế”. Sau đó, năm 1997, Luật Xúc tiến thu gom, phân loại, tái chế các loại bao bì được thông qua đã giúp nâng cao hiệu quả sử dụng những sản phẩm tái chế bằng cách định rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Theo luật này, người dân phải phân chia rác theo từng loại. Các cơ quan môi trường sẽ đến thu gom rác theo từng loại và chuyển tới các nhà máy xử lý rác. Hiện tại, Nhật Bản đang chú trọng đầu tư nâng cao hơn nữa khả năng tái sinh của rác thải để tạo thêm lợi nhuận và bảo vệ môi trường sống. Một số quốc gia như Thái Lan, Singapore với việc áp dụng các phương pháp tái chế rác hợp lý, mỗi năm tiết kiệm được 50%-55% các loại nguyên liệu như bột giấy, nhựa, kim loại nặng từ việc tái chế các chất thải này.
Theo các chuyên gia, để nâng cao hiệu quả và phát triển hoạt động tái chế nhựa tại Việt Nam, cần phải thực thi đồng bộ nhiều giải pháp gồm các giải pháp mang tính pháp lý, các giải pháp mang tính kinh tế và các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa. Các giải pháp này cần tập trung giải quyết 3 vấn đề: Nâng cao hiệu quả thu gom chất thải nhựa, chính sách hỗ trợ hoạt động tái chế nhựa và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia tái chế nhựa.