cart.general.title

TẠI SAO NGÀNH NHỰA KHÔNG TẬN DỤNG NGUYÊN LIỆU TRONG NƯỚC?

Được đánh giá là một trong những ngành năng động và tăng trưởng cao nhất (10 năm qua ngành nhựa trong nước luôn có mức tăng trưởng 15-20%/ năm), nhưng điều đáng quan tâm là ngành nhựa chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, phải nhập khẩu đến 80% nguyên liệu, trong khi nguồn nguyên liệu trong nước không được khai thác...

Ông Vũ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội nhựa Việt Nam (VPA) cho biết, hiện nay nhựa tái chế là nguồn nguyên liệu không thể thiếu trong ngành công nghiệp nhựa. Để đầu tư một nhà máy, các DN trong lĩnh vực nhựa tái chế phải bỏ ra 100-200 tỷ đồng, nếu đầu tư ở mức thấp hơn thì sẽ không đảm bảo về vấn đề môi trường.


Hiện, có 27 giấy phép đã được cấp cho các DN đạt chuẩn. Thực tế cho thấy, tốc độ tăng trưởng của ngành nhựa 20-25% là tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp rất lớn và xuất khẩu cũng đang tăng trưởng 12-15%.

Không chỉ sản xuất ra những sản phẩm nhựa, mà nhựa hiện nay cũng đang được đầu tư vào các ngành công nghiệp cao như vũ trụ, máy bay, và thay thế nhiều loại nguyên liệu khác như sắt thép, gỗ, xi măng...

Ngoài ra, ở thị trường xuất khẩu, nhiều DN đa quốc gia khi nhập khẩu nguyên liệu hoặc thành phẩm từ Việt Nam, họ có quy định phải có bao nhiêu phần trăm sử dụng nhựa tái chế.

Thông thường, những chai nhựa mua lại họ quy định phải quay vòng tái chế 20-30%. Trong khi đó, việc cung cấp nguyên liệu nhựa trong nước rất thấp. Các DN phải nhập khẩu nguyên liệu nhựa đến 80%.

Ngành nhựa không chủ động được nguồn nguyên liệu, đây là trở ngại lớn cho các DN, đặc biệt nếu không có nguồn nguyên liệu từ nhựa phế liệu pha trộn với hạt nhựa nguyên sinh để giảm giá thành sản phẩm thì không thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực.

Việt Nam không có thế mạnh sản xuất hạt nhựa nguyên sinh nên việc nhập khẩu nhựa phế liệu để sản xuất hạt nhựa tái sinh là giải pháp hữu hiệu cho bài toán nguyên liệu của ngành nhựa.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng nhập nguyên liệu nhựa ồ ạt dẫn đến việc “kẹt” gần 5.000 container tại cảng, ngoài các DN đã được cấp phép nhập khẩu, có cả những DN không có giấy phép, với nhiều container nguyên liệu nhựa không đạt chuẩn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tăng cường phối hợp để kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam trong thời gian tới, không để Việt Nam trở thành bãi thải, ảnh hưởng tới môi trường sống và uy tín của Việt Nam.

Ngoài việc siết chặt các DN nhập khẩu nhựa phế liệu, dư luận cũng đặt ra vấn đề tại sao DN không sử dụng nguyên liệu nhựa trong nước để vừa hạn chế nguyên liệu nhập khẩu vừa giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường?

Là đơn vị chuyên xử lý rác thải, ông Hoàng Phi Vũ, Giám đốc Công ty Minh Tâm Tín Nghĩa khẳng định: “Nhựa tái chế trong nước hiện nay không thể nào đạt được yêu cầu xuất khẩu. Còn tiêu thụ nội địa thì cũng chỉ dùng cho hàng thấp nhất”.

Theo giải thích của ông Vũ, về vấn đề thu gom, hiện nay tại Việt Nam, rác thải sinh hoạt chiếm 70-80%. Tại nông thôn, tỷ lệ rác thải được thu gom chỉ 20-50%, sau đó đưa vào bãi chôn lấp. Số rác còn lại thì nông dân tự xử lý (đốt, chôn...). Còn tại các thành phố lớn, tỷ lệ thu gom cao hơn. Như tại TP Hồ Chí Minh, ở nội thành 90-100% rác thu gom được và ngoại thành thì chỉ 70 - 80%.

Mỗi ngày TP Hồ Chí Minh phát sinh 9.000 tấn rác, trong đó chôn lấp tại Đa Phước 6.000 tấn, 3.000 tấn còn lại đưa vào 2 DN xử lý và tái chế, lọc ra được khoảng 50-60 tấn nhựa tái chế. Từ nguồn ve chai khoảng 30-40 tấn. Như vậy, chỉ tính riêng tại TP Hồ Chí Minh, TP hiện đại bậc nhất với 9.000 tấn rác/ngày, thì chỉ lấy tối đa 10% lượng nhựa thải (khoảng 900 tấn nhựa), còn lại chôn lấp.

Liên quan đến chất lượng nhựa tái chế, ông Vũ ví dụ chai nước suối, sau khi sử dụng xong thì vứt vào sọt rác trộn lẫn với các loại rác khác. Sau đó đưa vào xe ép rác lại trộn lẫn một lần nữa, và khi đến nhà máy xử lý rác (xử lý và tái chế) cũng bị trộn lẫn lần nữa, lúc này chai nhựa có mùi hôi thối kinh khủng.

Vì vậy khi đưa vào dây chuyền tách lọc tái chế, chắc chắn không thể nào đạt được yêu cầu của các nước xuất khẩu. Với bao ny lông khi tái chế cũng chỉ tái chế được hạt nhựa, chỉ dùng cho hàng thấp nhất của thị trường, tiêu thụ nội địa. “90-95% rác thải sau khi sử dụng xong thì đa phần đi về các bãi chôn lấp. Phần còn lại tái chế lại tại các nhà máy xử lý rác thì chất lượng rất thấp.

Đó chính là vấn đề nhức nhối tại Việt Nam. Chúng ta làm rất kém khâu phân loại rác tại nguồn và vấn đề này bắt buộc Nhà nước phải can thiệp vào để cùng với người dân thực hiện vấn đề phân loại rác.

Lúc đó nó sẽ trả lời một phần nào đó câu hỏi các DN tái chế nhựa có gia tăng được tỷ lệ tái chế nhựa trong nước hay không? Vấn đề đó phụ thuộc vào chính sách và cách thực hiện chính sách của Nhà nước”, ông Vũ khẳng định.

PGS TS Đinh Xuân Thắng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng môi trường Hoa Lư thừa nhận: “Sử dụng nguyên liệu tái chế thì tiết kiệm được tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Ở nước ngoài, họ phân loại rất tốt và quản lý chặt chẽ. Còn Việt Nam thì không phân loại được rác, không phân loại được chất thải”. Ông Thắng cũng cho rằng ngành tái chế nhựa của Việt Nam hiện nay là ngành công nghiệp môi trường.

Thực hiện Quyết định 1030/QĐ-TTg ngày 20-7-2009 của  Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển ngành tài nguyên môi trường của Việt Nam đến 2020 và tầm nhìn đến 2025, nhiều địa phương đã lập quy hoạch ngành phát triển môi trường nhưng không triển khai được vì nhiều nguyên nhân. “Ngành tái chế của Việt Nam hiện nay là ngành công nghiệp môi trường nhưng chưa được công nhận bình đẳng giống như các ngành công nghiệp khác. Còn trên thế giới, ngành công nghiệp môi trường kiếm tiền rất dễ, lợi ích kinh tế cao, tiết kiệm được nhiều tài nguyên thiên nhiên, tái sử dụng, tận dụng được chất thải các ngành công nghiệp khác. Việt Nam đã có các văn bản, có quy hoạch rồi nhưng chưa có địa phương nào có KCN hoặc là cụm công nghiệp chuyên ngành cho ngành nhựa. Đây là vấn đề cần xem xét”, PGS TS Đinh Xuân Thắng cho biết.

Nguồn: Công an nhân dân

HÌNH ẢNH NHÀ MÁY

HÌNH ẢNH SẢN XUẤT